C.hub
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Go down
Gáo Gáo
Gáo Gáo
Học sinh mới
Tổng số bài gửi : 29
Points : 87
Reputation : 0
Join date : 2017-04-09

Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng Empty Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng

Thu Apr 13, 2017 1:23 am
Phân tích một tác phẩm mà em yêu thích

Con không cha như nhà không nóc
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi

Tình cha là thứ tình cảm mộc mạc nhưng cũng là thứ tình cảm vững chãi nhất. Tình cha thiêng liêng, bao la, rộng lớn, che chở, theo đuổi người con đi đến hết cuộc đời. Tình cha là động lực của lòng khoan dung, là động lực để người ta tiến đến thành công. Từ xưa đến nay, đề tài "tình cảm cha con", muôn thưở vẫn tốn nhiều giấy bút của các nhà văn, nhà thơ. Đó cũng không phải là ngoại lệ đối với nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Một tình cảm cha con thật đẹp đã được ông khắc hoạ rõ nét qua tác phẩm Chiếc lược ngà xuất bản năm 1966.

Nguyễn Quang Sang (bút danh Nguyễn Sáng) là một nhà văn của miền Nam. Ông sinh ngày 1/12/1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 1945, ông tập kết ra Bắc và tham gia viết văn. Đến khi kháng chiến chống Mỹ, ông tiếp tục sự nghiệp viết văn bên cạnh tham gia cách mạng ở Nam Bộ. Đã chẳng ai ngờ ông lại trở thành một nhà văn khi mà thưở nhỏ, ông học văn yếu đến mức có lần chỉ được 0,5 điểm trong tổng số 20 điểm. Nguyễn Quang Sáng nổi tiếng với các truyện ngắn Tư Quắn (1959), Dòng sông thơ ấu (1985), Con mèo của Fujita (1994)... và các kịch bản phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng... Năm 2000, ông đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Truyện ngắn Chiếc lược ngà là một trong những "đứa con tinh thần" của Nguyễn Quang Sáng. Ông đã lấy cảm hứng sáng tác truyện này trong một chuyến về Đồng Tháp Mười. Tại nơi đây, khi băng sang sông, Nguyễn Quang Sáng đã gặp một cô giao liên trẻ gan dạ, mưu trí tên Thu. Thu đã giúp ông nhận ra rằng lá lục bình cũng có thể dùng nguỵ trang. Ấn tượng với cô giao liên ấy, khi trở về, ông đã sáng tác truyện với nhân vật chính là cô gái trẻ mang tên Thu. Tuy nhiên, những tình tiết trong truyện không hoàn toàn là của Thu, mà được góp nhặt, xây dựng từ những câu chuyện thật khác mà ông đã chứng kiến trong suốt quá trình tham gia cách mạng.

Truyện ngắn Chiếc lược ngà được Nguyễn Quang Sáng sáng tác năm 1966. Truyện trải qua 3 sự kiện chính với nhiều tình tiết bất ngờ xoay quanh hai nhân vật chính là chú Sáu, một chiến sĩ bộ đội và bé Thu, con chú Sáu. Truyện ca ngợi tình yêu thương con vô bờ bến của người cha và lòng kính trọng cha hết mực của đứa con; mang theo thông điệp hãy biết quý trọng những gì mình đang có. Vẫn là tình cảm gia đình, vẫn là sinh li tử biệt thời chiến tranh. Nội dung truyện không hề mới mẻ, nhưng cách xây dựng bố cục, sắp xếp các tình huống của Nguyễn Quang Sáng đã "lôi" người đọc vào trong nó mà không tài nào dứt ra được.

Bối cảnh của câu chuyện là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh khốc liệt, địch dòm ngó, thực hiện nhiều cuộc càng quét dữ dội. Từ ngày Thu sinh ra, chú Sáu chưa một lần gặp mặt con, chỉ thấy con qua ảnh và bé Thu cũng thế. Sau tám năm xa cách, chú Sáu trở về, mong ngóng được gặp con, được con gọi một tiếng "ba". Thế nhưng, nghiệt ngã thay, Thu đã không chịu nhận ba mình. Một lý do hết sức trớ trêu: khuôn mặt chú Sáu không giống với những gì Thu thấy qua ảnh, nó có thêm một vết sẹo, vì chiến tranh. Mặc cho sự yêu thương, chăm sóc của chú Sáu, Thu không mảy may bận tâm. Trong một bữa cơm, chú Sáu gắp cho Thu miếng trứng cá. Thu không ăn, hất chén cơm tung toé. Chú Sáu giận quá nên đã đánh em. Em chạy về méc bà ngoại, cả đêm không chịu về. Hôm sau là ngày chú Sáu lên đường tâp kết. Lúc này, chú Sáu đã hết hi vọng bé Thu nhận ra mình. Nhưng bất ngờ thay, bé Thu đã chạy lại, ôm chầm lấy chú và gọi tiếng ba. Bé không cho ba đi nữa, bé muốn ba ở lại với mình. Nhiều người tự hỏi, chẳng lẽ tình cảm cha con lại mãnh liệt đến thế sao? Nó đã đánh thức lương tâm của bé Thu? Thật ra, đêm hôm trước, bé đã được bà ngoại giải thích cho hiểu, bé đã nhận ra ba rồi. Đây, chính là tình tiết này đã khơi dậy cho người đọc một tình cảm mạnh mẽ. Đây chính là điểm thắt, bắt đầu mở ra những điểm xúc động của câu chuyện này. Từ tình tiết này sẽ dẫn đến các tình tiết bất ngờ khác... Nước mắt chảy ròng ròng, bé cứ quấn lấy ba. Có gì nghiệt ngã hơn thế? Bao ngày ba ở cạnh mình nhưng bé Thu lại không nhận ra ba. Giờ hai cha con đã nhận nhau, chú Sáu lại phải đi rồi. Nhưng đối với chú, bấy nhiêu thôi cũng là niềm hạnh phúc lớn lao. Chú ra đi, hứa khi về sẽ tặng bé Thu một chiếc lược ngà. Chú Sáu, vợ chú, bé Thu, tất cả đều rất lạc quan. Họ hứa hẹn về một ngày đoàn tụ.

Bao ngày chiến đấu nơi xa, chú Sáu lúc nào cũng nhớ đến Thu. Chú vẫn không quên lời hứa của mình: lời hứa sẽ trao tặng Thu chiếc lược ngà. Chú đã "nhảy cẫng lên vui sướng như một đứa trẻ" khi tìm thấy ngà voi, rồi từng ngày chú tỉ mỉ làm từng chiếc răng lược. Chiếc lược nhanh chóng được hoàn thành bằng tình yêu của chú, chỉ còn đợi đến ngày nó được trao cho bé Thu. Nhưng rồi chiến tranh khốc liệt, chú Sáu đã không có cơ hội trao tận tay chiếc lược cho bé. Biết mình sắp ra đi, chú đưa chiếc lược cho một người đồng chí giữ hộ, khi nào có cơ hội hãy trao cho bé Thu. Đấn đây, người đọc đã không thể nào kiềm chế được nước mắt. Tình cảm cha dành cho con thật quá lớn lao. Đến giờ phút "thập tử thất sinh" mà chú Sáu vẫn còn nhớ về con. Cuộc đời quả khắc nghiệt. Đến cả việc gặp lại con, trao cho con chiếc lược do tận tay mình làm, những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại trở nên thật xa vời với chú Sáu. Phẫn nộ, bức xúc, nhiều người chợt hỏi sao mà Nguyễn Quang Sáng "ác" thế?! Nhưng càng hỏi thì lại càng chứng minh được sự tài tình của ông. Nó tài tình đến mức đã lôi cuốn người đọc vào trong mạch truyện, sống như những nhân vật trong truyện và đọng lại trong ký ức người ta.

Người đồng chí nhiều năm saau đã quay lại làng tìm Thu, nhưng không may, Thu đã chuyển đi. Rồi bất chợt một ngày, khi đi qua vùng Đồng Tháp Mười, ông gặp một cô giao liên trẻ tuổi gan dạ. Ngay từ đầu, ông đã cảm thấy cô gái này thân quen lắm. Cô giao liên mưu trí giúp người lính già thoát chết sau một lần dò thám của lính Mỹ. Ông mở lời hỏi thăm, bày tỏ thái độ cảm kích. Nào ngờ, cô giao liên ấy chính là Thu. Người lính già toan giấu đi chuyện đau buồn, nhưng thật ra, Thu đã biết tin cha mình mất từ lâu.Thu đau đớn khi nhìn thấy chiếc lược. Tình yêu thương, kính trọng cha, lòng thủ hận địch đã đem lại bất hạnh cho gia đình mình. Chỉ một lần được gặp cha, một lần ôm cha nhưng tình yêu Thu dành cho chú Sáu đã lớn hơn nhiều. Lòng thương con của chú Sáu là hành trang đi theo Thu, nuôi Thu khôn lớn, nâng đỡ, an ủi cô, khiến lòng cô luôn cảm nhận được cha vẫn luôn ở bên mình.

Chiếc lược ngà đã đến được với tay người nó cần đến. Thế nhưng câu chuyện đã dấy lên trong lòng người đọc một nỗi đau đớn, day dứt tột độ. Bé Thu, chỉ vì sự ngây ngô, ngô nhận của mình mà sau này đã phải hối hận. Sự thật mà Nguyễn Quang Sáng đã dựng nên sao mà cay đắng, sao mà chua chát!

Không hề lộ liễu, câu chuyện đã làm bật lên tình cảm cha con thấm đượm, sâu sắc, mạnh mẽ hơn cả chiến tranh. Câu chuyện đã sống gần nửa đời người, nhưng giá trị tinh thần của nó không hề suy giảm. Bằng giọng tự sự, kết hợp với biểu cảm, miêu ta, nghị luận, truyện đã thể hiện xác thực tâm lý nhân vật, diễn tiến sự việc. Từng chi tiết đã được sàng lọc kĩ càng, tiêu biểu, tạo điểm nhấn đúng lúc, xoáy sâu, khai thác tâm lí người đọc, lôi kéo người đọc cùng đồng tình với những cảm xúc trong truyện. Truyện không mang sự bi luỵ, thảm thương, thường trực, thay vào đó là nhiều cảm xúc xen kẽ nhau: mừng vui, hân hoan, hi vọng rồi bỗng gặp cao trào, đau đớn. Điều đó càng làm tôn lên nét "đẹp" của tác phẩm. Không như những tác phẩm khác: làm cho người đọc dễ đi vào cảm xúc nhưng cũng chóng quên, Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên dấu ấn trong lòng người đọc. Những cảm xúc trong truyện không mau chóng đi qua khi câu chuyện kết thúc, nó cứ âm ỉ, để lại một nỗi day dứt, những điều để suy ngẫm.


"Một chiều lang thang mình tôi bước âm thầm
Đường về hôm nay vắng bóng cha
Nhớ mãi dáng người cha yêu xưa..."

Ai sinh ra cũng vậy. Họ có thể thiếu thứ này, thứ khác, nhưng chắc chắn rằng họ đều được ban tặng một người cha. Cha không phải bao giờ cũng ngay bên cạnh chúng ta, dìu ta đì từng bước. Tiếng "cha" là thứ tiếng cơ bản mà môi ta lúc nào cũng có thể bậc ra, tình cảm của cha là tình cảm luôn tồn tại trong ta. Qua truyện ngắn Chiếc lược ngà, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc hoạ chăn thực tình cảm cha con. Chiếc lược ngà cùng với những giá trị của nó sẽ bền chặt mãi mãi với thời gian, tồn đọng mãi trong kí ức của những người đã từng biết đến nó.

Giải Lê Quý Đôn trên báo KQĐ
Back to top
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum